BV21 : Nét đặc trưng của ẩm thực Sri Lanka
Là một đất nước có nền văn hóa Phật giáo nổi tiếng khắp thế giới song nền ẩm thực Sri Lanka vẫn có phần xa lạ đối với người Việt Nam. Nền ẩm thực Sri Lanka là sự kết hợp sáng tạo giữa ẩm thực phương Đông và ẩm thực phương Tây.
Cơm là món ăn chủ yếu kể cả trong các bữa ăn hằng ngày hoặc các dịp đặc biệt. Đặc biệt món Pittu là hỗn hợp gạo rang trộn với nước dừa tươi, sau đó được nấu trong ống tre. Cách chế biến thì tương tự như món cơm lam ở Việt Nam nhưng hương vị có phần nhỉnh hơn
Cơm cà ri là một món ăn đặc biệt được người dân Sri Lanka dùng trong các dịp lễ lớn. Nguyên liệu để làm món ăn này được chuẩn bị rất công phu, gồm gạo ngon và dẻo được ngâm trong nước cốt dừa, bột cà ri rồi nấu cùng quế, tử đinh hương và không thể thiếu hương vị của quả cardomon – gia vị đặc trưng của đảo quốc xinh đẹp này. Các món cà ri cay lại là món ăn ưa thích của người dân nơi đây vào bữa trưa và bữa tối. Không chỉ được làm từ thịt hoặc cá mà món này còn được làm từ rau và thậm chí từ hoa quả ( cùi mít ..).
Một bữa ăn điển hình của người Sri Lanka bao gồm một món cà ri chính (làm từ cá, gà, bò hoặc cừu) và một vài món cà ri khác làm từ rau và đậu lăng hoặc hoa quả. Ngoài ra còn có thể có thêm đĩa dưa góp, các loại sốt và một loại sốt rất cay có tên gọi sambol. Nước sốt sambol là một trong những loại sốt cay nhất thế giới. Katta sambol được làm từ cá khô được ươm trong muối, ớt và nước chanh chua. Nếu cầu kỳ hơn, Seeni sambol sẽ được chưng cất từ hỗn hợp cá Maldive, hành tây, ớt xanh, nước cốt dừa, dầu dừa, đường, muối, bayleaf và ớt bột đỏ. Dù vị cay “xé lưỡi” nhưng sambol vẫn nổi tiếng về sự quyến rũ khi ăn kèm những món ăn Sri Lanka.
Bữa sáng cổ truyền của người dân Sri Lanka là món Hopper được làm từ bột gạo, nước cốt dừa và một chút rượu cọ để tạo vị chua và làm tăng khả năng lên men của bột. Món này thường dùng kèm với sốt Lunumiris – một loại sốt cũng cay không kém làm từ hành đỏ và các loại gia vị. Với những khách đến du lịch thì sẽ thấy món ăn này có vị chua cay rất kì lạ. Nước cốt dừa cũng là một nguyên liệu mang lại hương vị đặc trưng cho các món ăn Sri Lanka.
Nếu món chính luôn đầy đủ vị cay ở nhiều tầng bậc: cay dịu, cay gắt, cay nồng… thì món tráng miệng ở đây lại rất ngọt ngào. Bánh Dodol có thể liệt vào những loại bánh ngọt nhất thế giới với vị ngọt đậm nhưng không khó ăn. Các loại bánh kẹo khác cũng có vị ngọt rất thú vị: Kiri Toffee giòn nhưng mềm ngay khi cho vào miệng mang vị ngọt mạch nha, Alpha ngọt mềm và thơm ngậy mùi sữa, Kavum lại có vị ngọt pha chút mặn. Mum Kavum thì có vị ngọt giống những chiếc bánh gatô hấp dẫn.
Món cà ri sẽ có sự khác biệt về mùi vị vì người Sri Lanka thường sử dụng các loại gia vị rất tự do và không tuân theo một công thức chính xác nào. Một phần do người dân đến từ các vùng khác nhau trên hòn đảo có truyền thống nấu ăn theo những cách khác nhau. Hơn nữa những người dân tộc và các nhóm tôn giáo lại nấu ăn theo phong tục của họ tạo ra sự đa dạng, phong phú, biến chuyển không ngừng cho các món ăn.
Mặc dù món ăn Sri Lanka tương tự như món ăn miền Nam Ấn Độ ở việc sử dụng ớt, bạch đậu khấu, thìa là, rau mùi và các loại gia vị khác nhưng nó vẫn có mùi vị riêng. Thường thì sử dụng các nguyên liệu tự nhiên như cá ở vùng biển Maldive. Nói chung món ăn Sri Lanka cay hơn rất nhiều so với món ăn miền nam Ấn Độ. Trong đó, nhiều món ăn Sri Lanka được cho là những món ăn cay nhất thế giới.
Thực phẩm Sri Lanka cũng có ảnh hưởng từ Hà Lan và Bồ Đào Nha. Cộng đồng Burgher trên đảo gìn giữ nét văn hóa này thông qua các món ăn ưa thích truyền thống như Lamprais: gạo nấu cuốn trong lá chuối rồi nướng, Breudher: bánh Giáng sinh Hà Lan và Bolo Fiado: bánh kiểu Bồ Đào Nha.
Trực tiếp khám phá những món ăn đặc sắc với những hương vị đậm đà bản chất văn hóa của quốc đảo xinh đẹp này trong hành trình du lịch Sri Lanka cùng Lantours chắc chắn sẽ còn mang lại nhiều điều thú vị hơn cho bạn.