BV77: Người dân Mông Cổ đón Tết cổ truyền như thế nào?
Tsagaan Sar là lễ đón Tết Âm lịch của người Mông Cổ, đã có lịch sử hàng nghìn năm, với nhiều hoạt động văn hóa thú vị và những món ăn hấp dẫn.
Ngày đầu tiên của Tsagaan Sar và cũng là ngày đầu tiên theo lịch âm của người Mông Cổ thay đổi mỗi năm. Lễ hội còn được gọi là White Moon (Bạch Nguyệt) này rơi vào đợt trăng non 2 tháng sau đông chí. Thông thường, dịp này trùng với Tết Nguyên đán của nhiều quốc gia châu Á.
Trong Tssagaan Sar, người Mông Cổ thường đến thăm gia đình, họ hàng và bạn bè, cùng nhau ôn chuyện năm cũ và chúc những điều tốt lành. Lễ hội chính thức diễn ra trong 3 ngày, nhưng thường được kéo dài thêm nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần sau.
Ngày trước lễ được gọi là Bituun. Vào ngày này, mọi người sẽ dọn dẹp nhà cửa, chuồng trại để đón một năm mới sạch sẽ, an lành. Nhiều nhà đặt 3 khối băng ở cửa cho ngựa của thần Palden Lhamo, vị thần ghé thăm các hộ gia đình vào Bituun.
Vào buổi tối của ngày Bituun, các gia đình tụ họp, cùng ăn bơ sữa và bánh bao buuz để tiễn năm cũ. Thông thường, người dân sẽ giải quyết mọi vấn đề và trả hết nợ năm cũ trong ngày này.
Phong tục đón Tsagaan Sar ở mỗi vùng của Mông Cổ lại khác nhau. Trong đó, một số gia đình thắp nến ở bàn thờ, tượng trưng cho sự khai sáng từ đức Phật. Người dân cũng chào nhau với câu đặc biệt: “Amar baina uu?” (Bạn có đang sống bình an?).
Người dân còn mặc trang phục truyền thống, tặng nhau các món quà và tiền mừng tuổi. Thông thường, các đại gia đình sẽ tụ họp ở nhà của người lớn tuổi nhất trong nhà. Khi gặp người già, người Mông Cổ thường chào kiểu zolgokh, nắm lấy khuỷu tay họ để thể hiện sự đỡ đần, tôn trọng.
Trong lễ chào, người trong gia đình sẽ cầm một chiếc khăn lụa màu xanh được gọi là khadag.
Sau đó, họ sẽ cùng thưởng thức các món ăn truyền thống như đuôi cừu, thịt cừu, cơm, các sản phẩm từ sữa, bánh buuz và tráng miệng bằng sữa chua airag. Mỗi vùng Mông Cổ lại có các món ăn khác nhau dành cho dịp lễ trọng đại này. Trong đó, các gia đình thường có một đĩa bánh quy lớn xếp hình kim tự tháp tượng trưng cho núi Sumeru, thịt ngựa và bánh nhân thịt cừu, thịt bò…
Mâm cỗ của Tsagaan Sar rất thịnh soạn, đòi hỏi các gia đình phải chuẩn bị trước nhiều ngày. Thông thường, các gia đình sẽ cùng làm bánh bao buuz và ul boov, một loại bánh nướng vừa để tráng miệng, vừa để làm quà.
Ngoài ra, đến Mông Cổ dịp này, du khách còn được thưởng thức những bài hát, điệu nhạc truyền thống do người dân biểu diễn và trải nghiệm không khí lễ hội ấm áp, tưng bừng.