BV46: Sông Hằng dòng sông của sự sống ở ẤN ĐỘ
Sông Hằng được xem là một trong những con sông nổi tiếng không chỉ vì nó là một trong những con sông lớn nhất, dài nhất, mà vì nó là cội nguồn của Ấn giáo (Hindu giáo), là tín ngưỡng thiêng liêng của gần một tỷ người; không những thế, đây cũng là con sông được nhắc đến nhiều nhất trong kinh điển Phật giáo
Bắt nguồn từ những đỉnh núi tuyết phủ ngàn năm thuộc dãy Himalaya của vùng Garwhal, bang Cuttar Pradesh, có độ cao từ 3000 đến 4500 m so với mực nước biển. Ấn Độ rất ít sông ngòi, do vậy người Ấn rất coi trọng các con sông. Với họ, dòng sông là người mẹ nuôi dưỡng và sinh ra thức ăn cho sự sống. Có nhiều huyền thoại liên quan đến việc giáng trần của Nữ thần sông Hằng được mô tả trong các sử thi của Ấn Độ như Mahabharata, Devi Bhavata, Bhagawata Purana, v.v… Theo sử thi Bhagawata Purana, sông Hằng được tạo ra từ việc đo ba thế giới trong ba bước chân của thần Vishnu (thần Bảo vệ), móng chân trái của thần Vishnu đã chọc thủng một lỗ trên Thiên hà chảy xuống dãy Himalaya hùng vĩ, sông Hằng có từ ấy; nó bắt nguồn từ Thượng giới và có tên Vishnupani (theo chân Vishnu). Truyền thuyết về sông Hằng theo sự khẩn cầu của vua Bhagiratha là hấp dẫn nhất.
Vua Bhagiratha bị một đạo sĩ độc ác dùng ánh mắt giận dữ thiêu đốt sáu mươi ngàn tổ tiên của vua thành tro bụi và chỉ có nước trên Thiên hà mới cứu được linh hồn của họ. Vua đã thành tâm khẩn cầu thần Shiva (thần Tái tạo) cứu giúp.
Thương tình vị vua nhân từ, thần Shiva để dòng Thiên hà chảy qua mái tóc của Ngài và cũng xuống hạ giới, nhờ thế mà trái đất không bị vỡ vụn bởi sức mạnh kinh khiếp của nó. Thiên hà chảy xuống dải Himalaya, nơi dòng sông uốn khúc để khóa chặt vị đạo sĩ gian ác kia và chảy vào bình nguyên Ấn Độ, rồi chảy ra đại dương. Ở đó, nó tiếp tục chảy xuống địa ngục để tạo lại hình dáng cho tổ tiên của vua. Như thế sông Hằng được mệnh danh là dòng sông của ba cõi: Thiên đường, trần gian và địa ngục.
Người Ấn giáo tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng, nước sông Hằng có thể giúp họ rửa sạch mọi tội lỗi; tắm và uống nước sông Hằng có thể trừ mọi tật bệnh, mang lại hạnh phúc và sức mạnh. Khi chết, nếu được ném xác hay tro cốt xuống sông Hằng, linh hồn sẽ được lên thiên giới. Từ đó, đã tạo nên tín ngưỡng tắm, rước nước, uống nước, nguyện cầu trên sông Hằng. Đặc biệt là những nghi lễ đốt xác và ném tro xác xuống dòng sông… Vì thế, sông Hằng được mệnh danh là dòng sông thiêng, dòng sông huyền bí.
Đến với dòng sông Thánh này, du khách sẽ cảm thấy kinh ngạc nhưng thú vị khi nhìn thấy các đạo sĩ ăn mặc kiểu cách và lối sống khác thường. Họ bôi tro lên khắp mình, tóc búi những kiểu kỳ dị, mặt trang điểm nhiều màu sắc và biểu diễn kiểu múa đinh ba cuồng nhiệt.
Sau đó, băng qua một vùng tĩnh lặng với thảm cỏ mượt du khách sẽ đến Tapovan, nơi những ẩn sĩ và các tay leo núi trú ẩn. Bạn cũng sẽ thú vị thấy cảnh diễn ra trước mắt với những người đã quên trần thế, trầm mặc trong tư thế tĩnh tọa bên cạnh những vận động viên thể thao đang náo nức chinh phục độ cao.
Hiện nay, vùng châu thổ sông Hằng có 300 triệu người sinh sống. Gwarl – đầu nguồn sông Hằng – cũng được xem là cội nguồn của Ấn Độ giáo. Vùng đất này có độ cao 4.500 m so với mặt nước biển, sương giá quanh năm. Đây là điểm du lịch lý tưởng cho những người muốn khám phá sự bí ẩn. Du khách sẽ thấy những tu sĩ tự giam mình đến kiệt sức để cuối cùng nằm chết trong hang động rêu phong bên núi cao. Số khác lại trầm tư mặc tưởng bên các sườn núi chênh vênh, chỉ cần sơ ý là rơi xuống vực thẳm mất xác. Họ ăn uống đơn giản hoặc không ăn uống gì trong thời tiết 0 độ C đợi ngày được chết, bởi theo họ, đó là cách để về “trời”.
Tại địa danh Gwarl có một cột đá xanh cao 20 m nổi trên lớp băng hà. Giữa cột có một lỗ nhỏ luôn ào ạt tuôn ra dòng nước sủi bọt màu xám. Đó là khởi nguyên của sông Hằng huyền bí.