BV32: Sông Hằng – dòng sông của trời
Sông Hằng linh thiêng có vai trò quan trọng về lịch sử, văn hóa, tôn giáo với người dân Ấn Độ và là cái nôi hình thành nên nền văn minh sông Hằng thời cổ đại, trong Kinh điển Đại Thừa, Đức Phật không chỉ dùng hình tượng cát sông Hằng để ví cho vô số chư Phật và chư Bồ tát trong mười phương, mà còn để dụ cho thần lực, pháp thân và hào quang của Đức Phật.
Trong truyền thống văn hoá tâm linh của Ấn Độ, Himalaya và Gangā được xem là hai hình ảnh thiêng liêng, tiềm ẩn một sức mạnh nội tại, một khả năng siêu việt và một suối nguồn cảm xúc vô tận mà con người thường mơ ước đến. Nếu như dãy Himalaya là một biểu tượng cho sự vĩ đại và oai hùng của tinh thần dân tộc, thì sông Hằng cũng được ví như một nữ thần từ ái, luôn dang rộng đôi tay để bảo bọc, dưỡng nuôi và bồi đắp cho nền văn minh xứ Ấn suốt bao thiên niên kỷ qua.
Lịch sử tôn giáo và văn hoá của Ấn Độ sẽ giảm đi tính huyền bí và thiêng liêng bao đời nay nếu đất nước này thiếu đi hai biểu tượngtôn nghiêm và kỳ vĩ như thế. Vô số các vị ẩn sĩ, các bậc thánh nhân, các nhà hiền triết đã dành trọn đờimình để chiêm nghiệm, tu trì và truyền bá những tinh hoa tư tưởng tại những trú xứ thiêng liêng ấy. Dấu ấn về hành trạng và sự nghiệp của họ vẫn còn lưu lại đâu đó trên những hang động heo hút thâm nghiêm, những triền đá cheo leo, cô tịch của miền núi tuyết hay những dòng nước cuồn cuộn hay êm ả, những bãi cát mênh mông, những ngôi đền cổ kính sớm chiều vọng tiếng chuông ngân hoà trong âm thanh cầu nguyện theo ngữ điệu từ ngàn xưa, và rực sáng dưới những ánh lửa kỳ ảo bên bờ sông Hằng lịch sử.
Bắt nguồn từ đỉnh Gangotri trên dãy Himalaya, băng qua một vùng đồng bằng dài 2510 Km chảy theo hướng Đông Nam qua Bangladesh và cuối cùng đổ ra vịnh Bengal, sông Hằng được xem là dòng sông linh thiêng nhất tại Ấn Độ. Sông Hằng có lưu vực rộng 907.000 km², một trong những khu vực phì nhiêu và có mật độ dân số cao nhất thế giới. Con sông có vai trò quan trọng về lịch sử với nhiều thủ đô, thủ phủ của các đế quốc trước đây như: Pataliputra, Kannauj, Kara, Kashi, Allahabad, Murshidabad, Munger, Baharampur, Kampilya, và Kolkata.
Đối với Bà-la-môn giáo, dòng sông này là nơi lưu xuất các nhánh sông thiêng, là một vị nữ thần có khả năng tịnh hoá mọi sự ô nhiễm của đời sống trần tục, và nó cũng được ví như một bà mẹ với thần lực diệu kỳ mà các bộ thánh kinh Vệ-đà hằng tôn vinh và ca ngợi. Theo các bộ sử thi Mahābhārata và Rāmāyaṇa giống dân Aryan thường cư trú tại đồng bằng sông Hằng vì dòng sông này là nguồn của bảy con sông thiêng tại Ấn Độ.
Những người dân tộc Hin du, dân tộc chiếm đa số trong dân số Ấn Độ, xem sông Hằng là một dòng sông thiêng, biểu tượng của nữ thần Ganga là con gái của thần núi Himalaya. Theo tín ngưỡng Hindu, tắm trên sông Hằng được xem là gột rửa mọi tội lỗi, và nước sông được sử dụng rộng rãi trong các nghi lễ thờ cúng. Uống nước sông Hằng trước khi chết là một điềm lành và nhiều người Hindu đã yêu cầu được hỏa thiêu dọc hai bên sông Hằng và lấy tro thiêu của họ rải lên dòng sông.
Sông Hằng và lịch sử của nó luôn gắn liền với những thăng trầm của nền văn minh Ấn Độ và vận mệnhcủa Phật giáo tại xứ sở này. Mặc cho bao biến thiên của thời cuộc, bao đổi thay của xã hội, dòng sông này, vào ngày Đông hay Hạ, lúc mùa lũ hay khi nước vơi, vẫn soi bóng những hình ảnh sinh hoạt tôn giáo và văn hoá tưởng chừng như không hề đổi thay suốt bao ngàn năm qua.
Dấu ấn văn minh tự ngàn xưa vẫn còn lưu giữ trên từng dòng nước, từng ngôi đền, từng cội cây, hay từng nghi thức lễ bái trên bến sông này. Như dòng đời vẫn cuộn trôi theo nhịp sóng của vô thường, nước sông Hằng vẫn âm thầm, lặng lẽ trôi đi, ôm trọn trong mình cả một thế giới thiêng liêng, kỳ ảo mà bao đời nay loài ngườivẫn không thể nào thấu hiểu được.
Dòng sông vẫn như muốn nhắn nhủ với loài người về khát vọng muôn thưở của họ, đó là khát vọng tìm về cội nguồn của chân hạnh phúc, quay về với con sông trong chính mình để gạn lọc mọi nhiễm ô, triền phược, để ngay trong bóng đêm của sanh tử dòng sông ấy có thể phản chiếu được ánh trăng ngời sáng của tự tánh, hay những tinh tú, những dãi ngân hà trên bầu trời xa xăm, hay để chảy qua những quốc độ, những thế giới thanh tịnh. Những quốc độ và thế giớithanh tịnh ấy, theo kinh Hoa Nghiêm, thì rất nhiều, nhiều như số cát trong sông Hằng vậy.